Tật viễn thị là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị 

Viễn thị là một tật khúc xạ khá phổ biến hiện nay, có thể khiến bạn gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động hằng ngày. Tùy theo nguyên nhân và mức độ viễn thị mà bạn sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Vậy hãy cũng Hikari tìm hiểu thêm về viễn thị là gì, nguyên nhân gây bệnh và đâu là cách điều trị phù hợp với bản thân qua bài viết này nhé!

Viễn thị là gì?

Viễn thị hay tật viễn thị là một vấn đề thị lực phổ biến xảy ra ở khoảng một phần tư dân số. Người bị viễn thị có thể nhìn rõ các vật ở xa nhưng gặp khó khăn trong việc nhìn gần.

Người bị viễn thị có thể nhìn rõ các vật ở xa nhưng gặp khó khăn trong việc nhìn gần

Chúng xảy ra khi hình dạng của mắt khiến ánh sáng đi qua tập trung vào phía sau võng mạc (một lớp mô nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt của bạn) thay vì tập trung vào võng mạc.

Tùy theo hình dạng của mắt mà có thể quyết đinh mức độ viễn thị của bạn, bao gồm chiều dài của mắt từ trước ra sau (chiều dài trục nhãn cầu) và độ cong của giác mạc. Hình dạng mắt của bạn ảnh hưởng đến cách mắt bạn tiếp nhận và xử lý ánh sáng để cho phép bạn nhìn thấy vật.

Những người bị viễn thị nặng có thể chỉ nhìn rõ các vật ở rất xa, trong khi những người bị viễn thị nhẹ có thể thấy rõ những vật có khoảng cách gần hơn.

Viễn thị là một tật khúc xạ khá phổ biến, theo một nghiên cứu phân tích với quy mô toàn cầu, chứng viễn thị có thể ảnh hưởng đến khoảng 4,6% trẻ em và 30,9% người lớn.

Dấu hiệu khi mắt bị viễn thị

Nếu bạn chỉ bị viễn thị nhẹ, bạn có thể không nhận thấy được bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nào cơ mắt của bạn phải làm việc liên tục để giúp nhìn rõ hơn, bạn có thể gặp một vài triệu chứng như:

  • Nhìn mờ, đặc biệt là khi nhìn những vật ở gần mắt.
  • Mờ mắt hoặc mỏi mắt vào ban đêm.
  • Khó đọc.
  • Nhìn đôi khi đọc.
  • Đau âm ỉ trong mắt bạn.
  • Mỏi mắt.
  • Nheo mắt khi đọc.

Hầu hết trẻ em khi bị viễn thị sẽ không có triệu chứng. Nguyên nhân là do tính linh hoạt của thủy tinh thể trong mắt trẻ khiến cho việc điều tiết (thay đổi tiêu điểm giữa các khoảng cách) của mắt trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, có một vài trường hợp trẻ vẫn gặp các triệu chứng trên nhưng sẽ không nhận thức được bản thân đang bị viễn thị. Lúc này, phụ huynh cần chú ý quan sát các thói quen của con em mình như thường xuyên dụi mắt hay không hứng thú với việc đọc, để từ đó xác định được trẻ có đang bị tật viễn thị hay không.

Thường xuyên dụi mắt có thể dấu hiệu trẻ đang mắc tật khúc xạ

Nguyên nhân gây tật viễn thị

Để có thể nhìn rõ, tia sáng phải đi qua giác mạc và thủy tinh thể. Hai bộ phận này của mắt phối hợp với nhau để bẻ cong ánh sáng sao cho chúng chạm tới lớp sau của mắt, gọi là võng mạc. Võng mạc sau đó sẽ gửi tín hiệu đến não cho phép bạn có khả năng nhìn thấy vật.

Khi bị viễn thị, hình dạng của mắt ngăn cản ánh sáng uốn cong đúng cách, do đó ánh sáng hướng vào phía sau võng mạc thay vì trên võng mạc. 

Sự khác nhau của mắt thường và mắt bị tật viễn thị khi ánh sáng đi vào mắt

Ví dụ, mắt của bạn có thể ngắn hơn bình thường (độ dài trục nhãn cầu) hoặc giác mạc ở phía trước của mắt có thể quá phẳng. 

Điều này làm cho các tia sáng tập trung phía sau võng mạc khiến cho bạn nhìn rõ các vật ở xa nhưng các vật ở gần thì mờ.

Nếu cha mẹ bị viễn thị thì con của họ cũng có nguy cơ cao mắc tật viễn thị. Tuy nhiên, sẽ có nhiều yếu tố dẫn đến viễn thị và di truyền chỉ là một phần. Do đó, trẻ vẫn có thể bị viễn thị trong khi cha mẹ thì không.

Một vài đối tượng có nguy cơ cao bị tật viễn thị nặng do rối loạn di truyền như:

  • Những người mù màu.
  • Những người mắc hội chứng Down.
  • Những người mắc hội chứng Fragile X.

Hầu hết trẻ em đều bị viễn thị nhưng sẽ không gặp triệu chứng mờ mắt. Với tật viễn thị ở mức độ nhẹ, trẻ đều có thể nhìn rõ các vật ở gần và xa. Và khi già đi, mắt sẽ phát triển và dài hơn, tật viễn thị nhẹ của trẻ sẽ biến mất.

Trẻ bị viễn thị nặng có thể bị nhược thị (mắt lười) hoặc lác (mắt nhìn theo các hướng khác nhau). Do đó, phụ huynh cần đưa con em mình đi khám mắt khi còn nhỏ để có thể xác định tật khúc xạ trẻ đang mắc trước khi chúng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Khi nào nên đi khám mắt

Nếu tật viễn thị khiến thị lực của bạn bị suy giảm và gây ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động hằng ngày, thì bạn cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa. 

Họ có thể xác định mức độ viễn thị của bạn và tư vấn cho bạn các phương pháp để điều chỉnh lại thị lực của bạn.

Vì không phải ai cũng nhận thức được bản thân đang gặp các vấn đề về thị lực nên Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyến nghị mọi người cần khám mắt định kỳ với tuần suất như sau:

Người trưởng thành

Nếu bạn có nguy cơ cao mắc một số bệnh về mắt, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đi khám mắt bằng phương pháp sử dụng thuốc giãn đồng tử, 1 – 2 năm/lần, bắt đầu từ tuổi 40.

Nếu bạn không đeo kính hoặc lens, không gặp các triệu chứng của bệnh về mắt và có ít nguy cơ mắc các bệnh về mắt, hãy khám mắt định kỳ theo khoảng thời gian sau:

  • Khám mắt lần đầu ở tuổi 40
  • Trong độ tuổi từ 40 đến 54, hãy khám mắt hai đến bốn năm/lần.
  • Từ 55 đến 64 tuổi, bạn cần khám mắt một đến ba năm/lần.
  • Sau tuổi 65, khám mắt một đến hai năm/lần.

Nếu bạn đeo kính hoặc kính áp tròng, hoặc tình trạng sức khỏe đang gây ảnh hưởng đến mắt, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bạn có thể cần phải kiểm tra mắt thường xuyên. 

Hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa của bạn tần suất bạn cần thăm khám. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bản thân đang có vấn đề về thị lực, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt, ngay cả khi bạn vừa mới khám mắt.

Trẻ em và thanh thiếu niên

Trẻ em cần được khám sàng lọc bệnh về mắt và được kiểm tra thị lực bởi bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ nhãn khoa ở các độ tuổi và khoảng thời gian sau:

  • 6 tháng tuổi
  • 3 tuổi
  • Trước khi vào lớp một.
  • Hai năm/lần khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cách chuẩn đoán bệnh

Tật viễn thị có thể được chẩn đoán khi bạn khám mắt tổng quát. Trong khi khám, các bác sĩ nhãn khoa sẽ sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm giãn đồng tử, giúp cho họ quan sát mắt bạn sâu hơn và rõ hơn.

Bác sĩ sẽ chiếu đèn vào mắt bạn và sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau để kiểm tra thị lực của mắt. Họ sẽ kiểm tra những tật khúc xạ mà bạn có thể đang gặp phải cũng như nguyên nhân khiến mắt bị tật (như bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể).

bạn sẽ được khám mắt toàn diện, bao gồm kiểm tra bằng sinh hiển vi cho phép bác sĩ quan sát mắt của bạn

Ở những bệnh nhân có thể đọc được các chữ cái trên bảng đo thị lực, bác sĩ nhán khoa có thể sử dụng máy phoropter để đo đơn kính kính của bạn và chẩn đoán bệnh viễn thị.

Với trẻ nhỏ hơn hoặc những trẻ không thể đọc bảng đo thị lực, bác sĩ nhãn khoa có thể sử dụng kính soi võng mạc để đo nơi ánh sáng chiếu vào bên trong mắt, giúp các bác sĩ xác định được chính xác mức độ viễn thị của mắt.

Điều trị viễn thị thế nào?

Tật viễn thị có thể được điều chỉnh bằng những cách sau:

Đeo kính có gọng

Bộ phận tròng kính của mắt kính có thể điều chỉnh tật viễn thị bằng cách thay đổi cách ánh sáng tập trung vào võng mạc của bạn. 

Tùy theo độ viễn thị mà có thể quyết định loại tròng kính bạn cần đeo và tần suất bạn nên đeo kính.

Đeo kính là một tong những phương pháp hiệu quả giúp điều chỉnh tật viễn thị

Nên chọn tròng kính phi cầu có độ chiết suất cao cho mắt viễn thị nhất là khi bị viễn thị nặng. Tròng kính phi cầu mỏng hơn, nhẹ hơn và có kiểu dáng thanh mảnh, bắt mắt hơn. Loại tròng kính này cũng giúp giảm đi hình ảnh mắt lồi khi mang kính viễn thị. 

Tuy nhiên, tròng kính phi cầu có độ chiết xuất cao phản quang nhiều hơn tròng kính tiêu chuẩn nên để tăng tính thẩm mỹ và sự thoải mái thì bạn nên chọn loại tròng kính có thêm lớp chống lóa.

Các tròng kính phi cầu cho trẻ em nên được làm bằng vật liệu polycarbonate vì vừa nhẹ, vừa chống va đập tốt. Ngoài ra, tròng kính quang học có khả năng chuyển màu sẫm hơn khi ra nắng rất được khuyên dùng cho trẻ em hoặc những ai hoạt động ngoài trời nhiều

Kính áp tròng

Kính áp tròng có cơ chế hoạt động giống như kính có gọng. Chúng điều chỉnh và bẻ cong ánh sáng khi đi vào mắt bạn.

Nhìn chung, việc mang kính áp tròng sẽ an toàn, thoải mái và thuận tiện. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phải các vấn đề khiến bạn không thể đeo lens như khô mắt và nhiễm trùng mắt.

Nếu kính hoặc kính áp tròng theo toa của bạn bắt đầu bằng dấu cộng như +2,50, thì bạn đã bị viễn thị. Bạn có thể đeo kính gọng hoặc kính áp tròng cả ngày hoặc chỉ những khi đọc, làm việc trên máy tính hoặc làm việc ở khoảng cách gần.

Phẫu thuật

Các loại phẫu thuật tật khúc xạ như LASIK hoặc CK cũng là một lựa chọn khác cho những bệnh nhân viễn thị không muốn lệ thuộc kính gọng hay kính áp tròng. Các phương pháp cấy ghép trong giác mạc đang được nghiên cứu có thể sẽ là lựa chọn điều chỉnh tật viễn thị trong tương lai.

Phẫu thuật LASIK điều trị bằng cách dùng dao vi phẫu tạo vạt giác mạc

Qua bài viết trên, Hikari hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng quan nhất về tật viễn thị cũng như các dấu hiệu và cách để điều trị bệnh. Điều quan trọng là bạn cần nên đi khám mắt định kỳ hoặc nếu thây mắt có dấu hiệu bị tật khúc xạ như viễn thị, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.

Nguồn tham khảo bài viết: