Loạn thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến hiện nay, nguyên nhân chủ yếu có thể là do di truyền. Khi bị loạn thi, bạn sẽ gặp các triệu chứng như mờ mắt, mỏi mắt, nhức đầu,… Hầu hết các trường hợp, tật loạn thị sẽ được điều chỉnh bằng cách đeo kính có gọng, đeo lens hoặc phẫu thuật khúc xạ. Hãy cùng Hikari theo dõi bài viết dưới đây có thể hiểu rõ thêm về loạn thị là gì, dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị.
Nội Dung Chính
Loạn thị là gì?
Loạn thị là tật khúc xạ phổ biến thường xảy ra cùng với tật cận thị hoặc viễn thị và có thể dễ dàng chẩn đoán bằng việc khám mắt.
Bất cứ ai cũng có thể bị loạn thị. Chúng có thể xuất hiện lúc mới sinh hoặc phát triển dần theo thời gian. Theo thống kê, cứ 3 người thì sẽ có 1 người mắc chứng loạn thị.
Nguyên nhân có thể là do sự bất thường của hình dạng giác mạc, khiến mắt không thể hội tụ ánh sáng đồng đều lên trên võng mạc dẫn đến nhìn mờ hoặc méo mó. Chúng có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn khi nhìn xa và nhìn gần.
Loạn thị không phải là một căn bệnh, bạn chỉ đơn giản là đang gặp vấn đề về cách tập trung ánh sáng của mắt.
Phân loại loạn thị
Mọi người có thể bị loạn thị cùng với các tật khúc xạ khác,như cận thị hoặc viễn thị.
- Cận loạn thị: Một hoặc cả hai kinh tuyến chính của mắt bị cận thị. (Nếu cả hai kinh tuyến đều bị cận thị thì chúng bị cận thị ở mức độ khác nhau.)
- Viễn loạn thị: Một hoặc cả hai kinh tuyến chính của mắt bị viễn thị. (Nếu cả hai đều bị viễn thị thì chúng bị viễn ở mức độ khác nhau.)
- Loạn thị hỗn hợp: Một kinh tuyến bị cận thị, và cái kia bị viễn thị.
Loạn thị cũng được phân thành loạn thị đều và không đều. Trong loạn thị đều, các kinh tuyến chính vuông góc với nhau. Ngược lại, trong loạn thị không đều, các kinh tuyến chính không vuông góc.
Hầu hết loạn thị là loạn thị giác mạc đều, làm cho mặt trước của mắt có hình bầu dục.
Đối với loạn thị không đều, nguyên nhân có thể là do chấn thương mắt gây ra sẹo trên giác mạc, do một số loại phẫu thuật mắt hoặc do giác mạc hình chóp – làm giác mạc mỏng dần.
Dấu hiệu khi mắt bị loạn thị
Mờ mắt là triệu chứng phổ biến nhất của tật loạn thị, chúng khiến bạn khó nhìn thấy các chi tiết trên đồ vật, chẳng hạn như các tên các món ăn được in trên thực đơn trước mặt hoặc các chữ cái trên các biển báo ở xa.
Bạn cũng có thể bị loạn thị khi mắt có các dấu hiệu như:
- Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn.
- Nheo mắt để nhìn rõ.
- Nhức đầu.
- Mỏi mắt.
- Khó nhìn vào ban đêm.
Một số trẻ nhỏ sẽ không biết thị lực của mình có vấn đề gì, ngay cả khi chúng đang gặp phải các triệu chứng trên.
Do đó, bạn cần đi gặp bác sĩ nhãn khoa hoặc các chuyên gia về mắt nếu nhận thấy con mình có các dấu hiệu như nheo mắt, dụi mắt hoặc thường xuyên bị đau đầu.
Nguyên nhân gây ra tật loạn thị
Nguyên nhân gây loạn thị thường là do di truyền, là tình trạng mà cha mẹ ruột truyền lại cho con cái của họ. Chúng cũng có thể được gây ra do mí mắt của bạn tạo quá nhiều áp lực lên giác mạc.
Hầu hết trong mọi trường hợp, bạn sẽ không bị loạn thị do các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, một số tình trạng dưới đây có thể khiến bạn mắc tật khúc xạ này, bao gồm:
- Chấn thương mắt.
- Bệnh giác mạc hình chóp
- Biến chứng sau phẫu thuật mắt.
Cách chẩn đoán loạn thị
Thông thường, loạn thị sẽ được phát hiện khi bạn đi khám mắt định kỳ với cùng các dụng cụ và kỹ thuật được sử dụng để phát hiện các tật khúc xạ khác.
Bác sĩ nhãn khoa có thể ước tính mức độ loạn thị bằng cách chiếu ánh sáng vào mắt trong khi đặt một loạt thấu kính giữa ánh sáng và mắt bệnh nhân. Kỹ thuật này được gọi là soi bóng đồng tử (skiascopy).
Bên cạnh đó, cũng sẽ có một số phương pháp được bác sĩ sử dụng để chuẩn đoán loạn thị ,bao gồm:
- Bảng kiểm tra thị lực: Bạn sẽ được yêu cầu đọc các chữ cái trên bảng đo thị lực. Việc này giúp kiểm tra thị lực hoặc độ sắc nét của tầm nhìn của bạn ở những khoảng cách nhất định.
- Sử dụng máy phoropter: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn quan sát qua một thiết bị lớn giống như ống nhòm và cho bác sĩ biết bạn có thể nhìn rõ chữ cái nào. Dựa trên câu trả lời của bạn, bác sĩ sẽ kê đơn kính thuốc để giúp điều chỉnh tầm nhìn của bạn trở nên rõ ràng hơn.
- Máy đo khúc xạ tự động: Thiết bị này cũng giúp đo độ loạn thị hoặc các tật khúc xạ khác của bạn. Chúng hoạt động bằng cách chiếu ánh sáng vào mắt và đo xem tia sáng sẽ thay đổi như thế nào khi chúng đi qua phía sau của mắt.
- Máy đo độ cong của giác mạc: Các bác sĩ nhãn khoa cũng có thể thực hiện đo địa hình giác mạc, giúp tìm ra những điểm bất thường và biến dạng trên bề mặt giác mạc.
Điều trị loạn thị như thế nào?
Loạn thị thường có thể được điều chỉnh bằng kính mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ. Mỗi phương pháp đều sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau như:
Kính mắt và kính áp tròng
Cả hai loại này đều hoạt động bằng cách tập trung ánh sáng vào võng mạc ở phía sau mắt để bạn có thể nhìn rõ hơn.
Đối với kính mắt có gọng, chúng thường phổ biến nhất vì có giá thành rẻ. Tuy nhiên, chúng cũng có nhược điểm là dễ bị thất lạc hoặc vỡ khi va chạm mạnh.
Đối với kính áp tròng thì sẽ có hai loại lens chính để điều chỉnh tật loạn thị, bao gồm: kính áp tròng mềm Toric và kính áp tròng cứng RGP.
Nhưng trước khi sử dụng kính áp tròng, bạn nên cân nhắc cẩn thận vì chúng có thể sẽ không phù hợp với tất cả mọi người và có thể gây nguy cơ nhiễm trùng mắt nếu bạn không vệ sinh cẩn thận hoặc đeo lens sai cách.
Phẫu thuật khúc xạ
Phẫu thuật khúc xạ là một trong những lựa chọn điều trị tạt loạn thị ít được sử dụng vì phẫu thuật với laser sẽ làm thay đổi hình dạng giác mạc và đem tới nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, tật loạn thị sẽ được loại bỏ vĩnh viễn và phương pháp này sẽ phù hợp cho những ai đang gặp vấn đề về thị lực nghiêm trọng.
Loạn thị nên được điều trị càng sớm càng tốt. Sau khi được chẩn đoán, cần phải đi khám bác sĩ nhãn khoa thường xuyên vì loạn thị có thể dao động theo thời gian nên đơn thuốc phải được sửa đổi.
Cách phòng ngừa
Bạn không thể phòng ngừa tật loạn thị, vì nguyên nhân chính là do di truyền gây ra. Nếu bạn mắc tật loạn thị hoặc những tật khúc xạ khác, rất có thể con bạn cũng sẽ bị như vậy.
Tuy nhiên, để tránh trường hợp tật loạn thị trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề mà mắt đang gặp phải.
Thông thường, tuần suất kiểm tra mắt sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của bạn:
- Trẻ em: Trẻ sẽ nên được khám mắt mỗi lần khám sức khỏe cho đến khi chúng bắt đầu đi học, và sau đó tuần suất thăm khám nên là 1 – 2 năm một lần.
- Người lớn dưới 40 tuổi: Cứ 5 – 10 năm một lần.
- Người lớn từ 40 đến 54 tuổi: Cứ 2 – 4 năm một lần.
- Người lớn trên 55 tuổi: Cứ 1 – 3 năm.
Bạn có thể cần kiểm tra mắt thường xuyên hơn nếu bạn đeo kính mắt, kính áp tròng, cần một loại thiết bị hỗ trợ thị giác khác hoặc đang mắc bệnh tiểu đường.
Loạn thị là một vấn đề ở mắt khá phổ biến khiến hình dạng mắt của bạn cong hơn bình thường. Khi bị loạn thị, bạn sẽ có dấu hiệu mờ mắt, có thể gây khó chịu và khiến bạn khó tham gia vào công việc hàng ngày. Tùy theo nhu cầu và mức độ nghiêm trọng của tật loạn thị mà bạn có thể sử dụng kính mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật để điều chỉnh. Đối với trẻ nhoe, do chưa đủ nhận thức nên trẻ sẽ không biết mình đang mắc tật loạn thị. Do đó, bạn cần quan sát trẻ cẩn thận, nếu nhận thấy con mình nheo mắt nhiều hoặc thường xuyên bị đau đầu, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám và điều trị.
Nguồn tham khảo bài viết:
2024. Astigmatism: Symptoms, Tests & Treatment. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8576-astigmatism.
2024. Astigmatism – NHS. https://www.nhs.uk/conditions/astigmatism/.
2024. Astigmatism – Symptoms & causes – Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/astigmatism/symptoms-causes/syc-20353835
2024. What Is Astigmatism? Symptoms, Causes, Diagnosis, Treatment – American Academy of Ophthalmology. https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-astigmatism