Nguyên nhân gây khô mắt và cách chữa khô mắt tại nhà hiệu quả

Khô mắt là tình trạng phổ biến và có thể xảy ra ở mọi đối tượng và độ tuổi. Theo thống kê, người châu Á có nguy cơ bị khô mắt cao hơn người Mỹ hoặc châu Âu. Tùy theo nguyên nhân gây khô mắt mà mỗi người sẽ có triệu chứng khác nhau. Vậy khô mắt là gì, đâu là nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị hiệu quả. Hãy cùng Hikari tìm hiểu chúng qua bài viết này nhé!

Khô mắt là gì?

Khô mắt là tình trạng phổ biến xảy ra khi mắt không tiết đủ nước mắt để bôi trơn và làm ẩm bề mặt nhãn cầu.

Khô mắt là tình trạng khi mắt không có đủ nước mắt để làm ẩm bề mặt nhãn cầu

Khi bạn chớp mắt, một lớp nước mắt sẽ được dàn phẳng ra trên mắt. Điều này giữ cho bề mặt của nhãn cầu luôn mịn và trong suốt. 

Thông thường, mắt chúng ta liên tục tiết nước mắt để giữ ẩm. Nếu mắt bị kích thích hoặc khi chúng ta khóc, mắt sẽ chảy nhiều nước mắt hơn. 

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, mắt sẽ không tiết đủ nước mắt hoặc có điều gì đó ảnh hưởng đến một hoặc nhiều lớp màng phim nước mắt, có thể dẫn đến tình trạng khô mắt.

Tình trạng khô mắt có thể tự xảy ra hoặc xuất hiện cùng với các tình trạng bệnh lý khác, khi đó khô mắt có thể là dấu hiệu của:

  • Hội chứng Sjogren (khoảng 10% số người bị khô mắt thiếu nước mắc hội chứng Sjögren).
  • Bệnh tiểu đường (nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, có khoảng 50% nguy cơ bạn sẽ bị khô mắt do biến chứng).
  • Bệnh mắt tuyến giáp.
  • Viêm bờ mi.

Triệu chứng khi mắt bị khô

Thông thường các triệu chứng khô mắt sẽ diễn ra ở cả hai bên mắt, bao gồm các dấu hiệu hiệu như:

  • Cảm giác châm chích, nóng rát hoặc ngứa bên trong mắt.
  • Xuất hiện ghèn dạng sợi bên trong hoặc xung quanh mắt của bạn
  • Mắt bị nhạy cảm với ánh sáng
  • Đỏ mắt
  • Cộm mắt
  • Gặp khó khăn khi đeo kính áp tròng và khi lái xe vào ban đêm
  • Chảy nước mắt, đó là phản ứng của cơ thể trước sự kích ứng khi mắt bị khô
  • Nhìn mờ hoặc mỏi mắt

Nguyên nhân gây khô mắt

Một số nguyên nhân có thể gây khô mắt như:

  • Sử dụng máy tính: Khi làm việc với máy tính hoặc điện thoại và các thiết bị điện tử khác, chúng ta có xu hướng chớp mắt ít đi và chớp mắt không hoàn toàn (không khép hết mi mắt), làm nước mắt bốc hơi nhanh hơn.
  • Đeo kính áp tròng: Mặc dù khó để xác định việc đeo kính áp tròng có thể dẫn tới khô mắt hay không, nhưng cảm giác khô mắt khi đeo lens là lý do chính dẫn đến người không tiếp tục sử dụng kính áp tròng.
  • Lớn tuổi: Khô mắt có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, tuy nhiên chúng thường xuất hiện nhiều hơn ở những người sau 50 tuổi.
  • Mãn kinh: Phụ nữ tuổi mãn kinh có nguy cơ khô mắt cao hơn.
  • Môi trường trong nhà: Các thiết bị như máy lạnh, quạt trần,… có thể làm giảm độ ẩm trong nhà từ đó khiến nước mắt trên màng phim bốc hơi nhanh hơn.
  • Môi trường bên ngoài: Khí hậu khô, gió nhiều làm tăng nguy cơ khô mắt.
  • Đi máy bay thường xuyên: Không khí trong khoang máy bay rất khô, dẫn tới khô mắt ở những người thường xuyên đi máy bay.
  • Khói thuốc lá : Ngoài gây khô mắt, khói thuốc lá còn là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề nghiêm trọng khác như thoái hoá hoàng điểm, đục thuỷ tinh thể, viêm màng bồ đào,…
  • Tình trạng sức khoẻ: Các loại bệnh như tiểu đường, bệnh tuyến giáp, lupus, hen suyễn, hội chứng Sjogren,… đều có thể dẫn tới khô mắt.
  • Thuốc đang dùng: Những loại thuốc kháng histamine, an thần, hạ huyết áp, thuốc tránh thai có thể tăng nguy cơ khô mắt.
  • Vấn đề mi mắt: Chứng hở mi, viêm bờ mi có thể dẫn tới khô mắt, thậm chí là viêm giác mạc nếu không được điều trị.
  • Phẫu thuật LASIK và các phẫu thuật khúc xạ khác đôi khi gây khô mắt

Đối với lứa tuổi học sinh, sử dụng điện thoại, máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác là nguyên nhân chính gây khô mắt. Theo các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc, có 6.6% học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 có triệu chứng khô mắt. Những trẻ này có thời gian sử dụng điện thoại nhiều hơn so với trẻ ít sử dụng điện thoại. Triệu chứng khô mắt giảm đáng kể sau khi ngưng sử dụng điện thoại. 

Nguyên nhân gây khô mắt ở trẻ là do sử dụng điện thoại hoặc máy tính liên tục trong nhiều giờ

Cách chẩn đoán

Triệu chứng khô mắt có thể khác nhau ở mỗi người, do đó để xác định chính xác bạn có bị khô mắt hay không, các bác sĩ nhãn khoa sẽ làm một số kiểm tra. Từ đó bác sĩ mắt sẽ biết bạn đang bị khô mắt loại nào và sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.

Trước khi làm kiểm tra, các bác bác sĩ có thể hỏi bạn về một số vấn đề như bạn bị khô mắt khi nào, tiền sử bệnh về mắt và các bệnh lý khác, môi trường sống của bạn,…

Sau đó, bạn có thể được yêu cầu làm một số kiểm tra như:

Kiểm tra bằng đèn khe

Bác sĩ sẽ chiếu đèn vào từng mắt và sử dụng kính hiển vi để kiểm tra mắt và mí mắt của bạn. Việc này sẽ giúp xác định được lượng nước mắt mà mắt bạn tạo ra.

Kiểm tra mắt bằng đèn khe sẽ giúp bác sĩ biết được lượng nước mắt mà mắt bạn tạo ra

Xét nghiệm Schirmer

Bác sĩ sẽ đặt một mảnh giấy nhỏ dọc theo mép mí mắt của bạn và để chúng ở đó trong vài phút. Mắt bạn sẽ phản ứng lại bằng cách tiết nước mắt, khi đó, bác sĩ có thể biết được chính xác lượng nước mắt bạn tạo ra bằng cách nhìn vào mảnh giấy.

Xét nghiệm thời gian vỡ phim nước mắt (TBUT)

Xét nghiệm này có thể kiểm tra xem nước mắt của bạn bay hơi nhanh như thế nào. Bác sĩ sẽ bôi thuốc nhuộm vào mắt bạn và sử dụng kính hiển vi để xem màng nước mắt của bạn ổn định trong bao lâu mà không vỡ ra. 

Họ đo khoảng thời gian giữa lần chớp mắt cuối cùng của bạn và khi vùng khô đầu tiên xuất hiện trên giác mạc của bạn. Nếu thời gian dưới 10 giây thì đó có thể báo hiệu của hội chứng khô mắt.

Cách điều trị khô mắt

Điều trị khô mắt thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn, bao gồm:

Sử dụng nước mắt nhân tạo

Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho tình trạng khô mắt nhẹ là sử dụng một loại thuốc nhỏ mắt gọi là nước mắt nhân tạo

Bạn có thể mua những loại thuốc nhỏ mắt này mà không cần có bác sĩ kê toa. Ngoài ra còn có các loại gel và thuốc mỡ dưỡng ẩm không kê đơn khác có thể giúp mắt bạn dễ chịu hơn khi dùng.

Bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo mà không cần có sự kê đơn của bác sĩ

Uống thuốc theo toa từ bác sĩ nhãn khoa

Nếu tình trạng khô mắt của bạn nghiêm trọng hơn, bác sĩ nhãn khoa có thể kê cho bạn một đơn thuốc gọi là cyclosporine (Restocation) hoặc lifitegrast (Xiidra). Những loại thuốc này đều là loại thuốc nhỏ mắt có thể giúp mắt bạn tiết nhiều nước mắt hơn.

Phẫu thuật

Đây là phương pháp ít phổ biến nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khô mắt có thể xảy ra do mí mắt dưới của bạn quá lỏng, khiến nước mắt chảy ra khỏi mắt quá nhanh. 

Nếu đây là nguyên nhân gây khô mắt, các bác sĩ nhãn khoa có thể đề nghị phẫu thuật để sửa lại mí mắt và giúp nước mắt đọng lại trên mắt.

Lời khuyên cho bạn: Nếu thấy những biểu hiện bất thường nào ở mắt, hãy đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp, tuyệt đối không tự ý mua thuốc.

Cách trị khô mắt đơn giản và hiệu quả tại nhà

Nếu các triệu chứng khô mắt của bạn chỉ mở mức độ nhẹ, bạn có thể thực hiện các cách dưới đây để cải thiện chứng khô mắt.

Tránh các tác nhân kích thích từ môi trường xung quanh

Các tác nhân từ môi trường xung quanh gây kích thích mắt có thể bao gồm bất cứ điều gì làm cho các triệu chứng của khô mắt bùng phát. 

Các yếu tố phổ biến sẽ bao gồm khói thuốc lá, lỗ thông hơi thổi vào mặt, gió và các chất gây dị ứng. Do đó, bạn nên đeo kính bảo hộ hoặc kính râm khi ra ngoài trời.

Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ.

Tùy thuộc vào nơi bạn sống, ngôi nhà của bạn có thể có độ ẩm rất thấp (dưới 25%) vào mùa đông khi bạn sử dụng hệ thống sưởi. 

Khi đó, các triệu chứng khô mắt của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn. Khi thời tiết chuyển lạnh hoặc khi độ ẩm trong phòng thấp, bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm để tránh khô mắt.

Đặt một miếng chườm ấm lên mắt

Bạn có thể mua mặt nạ chườm ấm cho mắt ở bất kỳ hiệu thuốc nào và đắp lên mắt trong 10 phút. 

Việc này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bạn và kích thích tuyến meibomian của bạn sản xuất nhiều dầu hơn và giữ cho nước mắt không bị hơi.

Bạn có thể chườm ấm mắt để mắt được thư giãn và tránh tình trạng khô mắt

Dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi

Hãy nghỉ giải lao thường xuyên khi bạn đang đọc hoặc sử dụng máy tính bằng cách thực hiện quy tắc 20/20/20. Cụ thể là cứ sau 20 phút, hãy dừng lại và tập trung mắt vào vật gì đó cách xa 20 feet (tương đương 6m) trong 20 giây. 

Ngoài ra, trong khi đọc hoặc sử dụng màn hình của các thiết bị điện tử, hãy nhớ chớp mắt thường xuyên để giúp bạn tiết đủ nước mắt.

Bổ sung axit béo omega – 3

Một số nghiên cứu cho thấy axit béo omega – 3 có thể hỗ trợ sản xuất nước mắt và giúp cải thiện các triệu chứng khô mắt của bạn. 

Tuy nhiê, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào vì chúng có thể tương tác với một số loại thuốc bạn đang dùng.

Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên làm sạch mí mắt mỗi ngày và tháo kính áp tròng trước khi ngủ.

Khô mắt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng làm việc, giao tiếp xã hội và quá trình tận hưởng cuộc sống của bạn. Chúng cũng có thể gây ảnh hưởng đến cảm xúc và tinh thần của bạn. Nếu bạn thấy bản thân có các dấu hiệu khô mắt, hãy đến gặp các bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và thăm khám, không nên tự ý mua thuốc để tự điều trị vì có thể gây ra một số nguy cơ tiểm ẩn nguy hiểm.

Nguồn tham khảo bài viết: