Bệnh cườm nước (Glaucoma) là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân

Bệnh cườm nước là nguyên nhân gây mù lòa thứ hai trên thế giới, được mệnh danh là “kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng”. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực. Cùng Hikari tìm hiểu về bệnh cườm nước bao gồm nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh cườm nước (Glaucoma) là gì?

Bệnh cườm nước hay còn gọi là Glaucoma là một nhóm bệnh về mắt gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến suy giảm thị lực hoặc mù lòa nếu không được điều trị kịp thời. 

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện rất chậm hoặc không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh.

Hầu hết người bệnh sẽ không biết mình bị bệnh cườm nước cho đến khi được chẩn đoán bởi các bác sĩ nhãn khoa.

Bệnh cườm nước không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn các tổn thương và bảo vệ thị lực của bạn.

Bệnh cườm nước hay còn gọi là Glaucoma là một nhóm bệnh về mắt gây tổn thương dây thần kinh thị giá

Các loại bệnh cườm nước

Bệnh cườm nước góc đóng nguyên phát

Là tình trạng xảy ra khi góc tiền phòng bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, gây nên tình trạng tăng nhãn áp đột ngột, dẫn đến dây thần thị giác bị tổn thương.

Triệu chứng cơ năng

  • Đau nhức: nhức đầu, nhức mắt
  • Nhìn mờ
  • Thấy quầng sáng nhiều màu sắc
  • Buồn nôn và nôn do kích thích dây X

Triệu chứng thực thể

  • Nhãn áp cao –> gây phù giác mạc. Giác mạc mờ, mất bóng, thị lực giảm.
  • Cương tụ rìa
  • Đồng tử giãn méo và mất phản xạ ánh sáng
  • Tiền phòng nông, thủy dịch vẩn đục nhẹ Tyndall (+)

Bệnh cườm nước góc mở nguyên phát

Đây là dạng phổ biến nhất của bệnh cườm nước, nguyên nhân là do sự tắc nghẽn một phần hệ thống dẫn lưu thủy dịch trong mắt, dẫn đến tăng áp suất ở mắt. Khi đó, dây thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương, người bệnh có nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn.

Triệu chứng cơ năng

  • Xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm, không đau
  • Thường xảy ra ở 2 mắt

Triệu chứng thực thể

  • Nhãn áp: Nhãn áp dao động, có thể tăng từng lúc.
  • Soi đáy mắt và đo thị trường rất quan trọng để chẩn đoán và theo dõi bệnh.
  • Tổn hại gai thị: Lõm teo gai, mạch máu dạt về phía mũi. Tỷ lệ C/D 4/10.
  • Soi góc tiền phòng – góc mở.

Bệnh cườm nước thứ phát

Là tình trạng mắt bị tăng nhãn áp do một bệnh lý khác gây ra, dẫn đến ảnh hưởng thị lực của một hoặc hai bên mắt.

Triệu chứng

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bệnh cườm nước thứ phát sẽ có các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau, mờ mắt
  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Tầm nhìn thu hẹp

Bệnh tăng nhãn áp sắc tố (Pigmentary glaucoma)

Đây là loại bệnh hiếm gặp, thường xuất hiện ở trẻ em và người trẻ tuổi, bệnh được đặc trưng bởi sự tích tụ sắc tố từ mống mắt trong hệ thống thoát dịch của mắt, dẫn đến mắt bị tăng áp lực.

Nguyên nhân gây bệnh có thể là do di truyền hoặc do các tế bào sắc tố từ mống mắt bị vỡ nên giải phóng sắc tố ở mắt.

Triệu chứng  

Rất khó phát hiện do bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn tiếp theo, người bệnh có thể gặp một vài triệu chứng như: 

  • Mờ mắt
  • Nhìn thấy quầng sáng hoặc hào quang xung quanh đèn
  • Đau mắt
  • Đau đầu và buồn nôn
  • Mắt đỏ
  • Đồng tử to

đau đầu là triệu chứng ở giai đoạn sau của bệnh cườm nước

Ai dễ mắc bệnh cườm nước – Glaucoma

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh cườm nước, nhưng sẽ có một vài đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:

  • Những người trên 60 tuổi.
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh cườm nước thì bạn có nguy cơ cao mắc bệnh 5 – 6 lần.
  • Những người bị cận thị có nguy cơ mắc bệnh cườm nước góc mở cao hơn người bình thường.
  • Những người mắc các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể, bong võng mạc, u mắt và chấn thương ở mắt.
  • Những người mắc các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh lý tuyến giáp,..
  • Những người sử dụng thuốc có chứa thành phần corticosteroid trong thời gian dài.
  • Phụ nữ có nhiều khả năng bị bệnh cườm nước góc đóng hơn nam giới.
  • Những người có độ dày giác mạc mỏng

Nguyên nhân gây bệnh cườm nước

Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh cườm nước, nhưng bệnh có liên quan đến sự tăng áp lực ở mắt và việc giảm lưu lượng máu để nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác.

Tăng áp lực mắt (nhãn áp)

Thủy dịch trong mắt liên tục được sản xuất và thoát ra khỏi mắt qua một hệ thống dẫn lưu. Khi hệ thống dẫn lưu này bị tắc nghẽn, thủy dịch sẽ tích tụ trong mắt và gây tăng áp lực.

Áp lực cao đè lên dây thần kinh thị giác, làm tổn thương các tế bào thần kinh và dẫn đến mắt bị mất thị lực.

Giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác

Trong một số trường hợp, ngay cả khi áp lực mắt bình thường, lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác bị giảm cũng có thể dẫn đến bệnh cườm nước.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể do các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, hoặc do chấn thương mắt.

Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh cườm nước có thể là do yếu tố di truyền, người bệnh mắc các bệnh lý về mắt khác hoặc sử dụng thuốc có chứa thành phần corticosteroid trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cườm nước.

Không có cách nào ngăn ngừa bệnh cườm nước. Đó là lý do tại sao việc khám mắt lại quan trọng đến vậy – để bạn và bác sĩ có thể phát hiện ra bệnh trước khi nó ảnh hưởng đến thị lực của bạn. 

Bệnh cườm nước được chẩn đoán như thế nào?

Do không có triệu chứng ở giai đoạn đầu nên việc chẩn đoán bệnh thường dựa vào các cách sau:

Khám mắt

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ kiểm tra thị lực bao gồm:

  • Tầm nhìn ngoại vi
  • Đồng tử
  • Giác mạc
  • Dây thần kinh thị giác 
  • Đo áp lực mắt bằng dụng cụ đo nhãn áp

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ kiểm tra thị lực

Các xét nghiệm khác

  • Đo độ dày giác mạc: Giác mạc mỏng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cườm nước.
  • Soi góc tiền phòng: Giúp bác sĩ xác định xem góc tiền phòng có bị tắc nghẽn hay không.
  • Chụp cắt lớp võng mạc (OCT): Giúp bác sĩ có thể đánh giá được chi tiết các lớp võng mạc và độ dày của lớp võng mạc.
  • Chụp trường thị: Giúp xác định xem bạn có mất thị lực ngoại vi hay không.

Tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh cườm nước

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên kết quả thăm khám, xét nghiệm mắt và tiền sử bệnh của bạn. Bạn sẽ được đánh giá là mắc bệnh cườm nước khi kết quả của bạn là:

  • Áp lực mắt cao (thường trên 21mmHg)
  • Tổn thương dây thần kinh thị giác
  • Mất thị lực ngoại vi

Điều trị bệnh cườm nước

Mục tiêu điều trị bệnh cườm nước là giảm áp lực mắtbảo vệ dây thần kinh thị giác.

Thông qua việc thăm khám nhãn khoa, bệnh cườm nước có thể phát hiện phát hiện và chẩn đoán sớm. Từ đó cơ hội ngăn chặn việc mất thị lực càng cao. Cách điều trị bệnh cườm nước phụ thuộc vào loại bệnh và giai đoạn của bệnh. Cách điều trị phổ biến bao gồm: dung thuốc, phẫu thuật, hoặc bằng tia laser.

Thuốc nhỏ mắt

Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất và là phương pháp điều trị đầu tiên cho hầu hết các dạng bệnh cườm nước.

Sẽ có nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau để điều trị bệnh cườm nước, nhưng nhìn chung, chúng hoạt động bằng cách giảm sản xuất thủy dịch hoặc tăng lưu thông thủy dịch trong mắt.

thuốc nhỏ mắt là phương pháp điều trị phổ biến nhất và là phương pháp điều trị đầu tiên cho hầu hết các dạng bệnh cườm nước

Laser

Trong trường hợp, việc sử dụng thuốc nhỏ mắt không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân sử dụng laser để điều trị bệnh cườm nước.

Đây là loại phẫu thuật đơn giản và có thể thực hiện tại phòng khám

Hiện nay, có hai loại phẫu thuật laser phổ biến, bao gồm:

  • Phẫu thuật tạo hình mống mắt bằng laser (SLT): Tạo một lỗ nhỏ trong mống mắt để giúp thoát thủy dịch.
  • Phẫu thuật cắt mống mắt chu biên bằng laser (Iridectomy): Loại bỏ một phần mống mắt để tạo điều kiện thoát thủy dịch ở mắt.

Phẫu thuật

Khi các biện pháp như sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật bằng tia laser không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật.

Đây là loại phẫu thuật có xâm lấn nhưng chúng có thể kiểm soát áp lực mắt tốt hơn và nhanh hơn so với các phương pháp điều trị khác

Phẫu thuật có thể giúp làm chậm quá trình mất thị lực nhưng không thể phục hồi thị lực đã mất hoặc chữa khỏi bệnh cườm nước.

Mục tiêu của ca phẫu thuật là tạo ra một kênh mới để thoát nước dịch khỏi mắt, giúp giảm áp lực mắt.

Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị bệnh tăng cườm nước, tùy thuộc vào dạng bệnh và mức độ nghiêm trọng cụ thể, các bác sĩ nhãn khoa sẽ lựa chọn loại phẫu thuật phù hợp.

Khi các biện pháp như sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật bằng tia laser không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật

Hiện nay, có hai loại phẫu thuật phổ biến:

  • Trabeculectomy: Tạo một kênh dẫn lưu mới dưới kết mạc để thoát thủy dịch.
  • Đặt ống dẫn lưu: Đặt một ống nhỏ trong mắt để dẫn lưu thủy dịch.

Phòng ngừa bệnh cườm nước

Phát hiện sớm bệnh cườm nước thông qua việc khám mắt định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mắt và ngăn ngừa tình trạng mất thị lực. Xét nghiệm bệnh cườm nước nên được thực hiện mỗi:

  • 1 – 3 năm sau 35 tuổi đối với những người có nguy cơ cao.
  • 2 – 4  năm trước 40 tuổi.
  • 1 – 3 năm ở độ tuổi từ 40 đến 54.
  • 1 – 2 năm trong độ tuổi từ 55 đến 64.
  • 6 – 12 tháng sau tuổi 65.

Các câu hỏi thường gặp về bệnh cườm nước

Các biến chứng của bệnh cườc nước là gì?

Theo ước tính, cứ 10 người mắc bệnh glaucoma thì sẽ có 1 người bị suy giảm thị lực ở một mức độ nào đó. Tình trạng mù lòa khi phát bệnh cườm nước sẽ ít phổ biến và chỉ xuất hiện đến 5% số người mắc bệnh cườm nước.

Bệnh cườm nước có thể chữa khỏi được không?

Không, bệnh cườm nước không thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng và ngăn chặn bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Phương pháp điều trị bệnh cườm nước hiệu quả nhất là gì?

Không có phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh cườm nước. Tùy theo tình trạng bệnh, mức độ nghiêm trọng và loại bệnh cườm nước mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau theo từng bệnh nhân.

Bệnh cườm nước có lây không?

Bệnh cườm nước không thể lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, bệnh có thể di truyền trong gia đình.

Nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh cườm nước thì bạn có nguy cơ cao mắc bệnh 5 – 6 lần so với người bình thường. Do đó, bạn nên đi khám mắt định kỳ để có thể phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Qua bài viết trên, Hikari hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh cườm nước và những phương điều trị bệnh. Nếu bạn có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bản thân bị bệnh glaucoma, hay nhanh chóng liên hệ với các cơ sơ y tế chuyên khoa hoặc liên hệ với Hikari để được thăm khám và tư vấn điều trị bởi các bác sĩ nhãn khoa đầu ngành có nhiều năm kinh nghiệm và chuyên môn cao.

Nguồn tham khảo bài viết: