10 Bước Để Hạn Chế Mỏi Mắt Do Máy Tính

Home / Bệnh lý / 10 Bước Để Hạn Chế Mỏi Mắt Do Máy Tính

10 Bước Để Hạn Chế Mỏi Mắt Do Máy Tính

Theo một nghiên cứu gần đây được tài trợ bởi The Vision Council cho thấy 59% những người thường xuyên sử dụng máy tính và thiết bị kỹ thuật số gặp phải các triệu chứng của digital eye strain (còn gọi là mỏi mắt do máy tính hoặc hội chứng thị giác do máy tính).
Các triệu chứng của hội chứng thị giác do máy tính bao gồm: mỏi mắt, mắt khó chịu, khô mắt, nhức đầu, mờ mắt, đau cổ vai, nheo mắt và đỏ mắt.
Dưới đây là 10 bước dễ thực hiện để giảm nguy cơ bị mỏi mắt và các triệu chứng phổ biến khác của hội chứng thị giác do máy tính (computer vision syndrome-CVS):

1. Khám Mắt Kỹ Lưỡng

Bạn nên đi khám mắt thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề của mắt. Bạn cũng nên nói với bác sĩ về tần suất sử dụng máy tính, cũng như các thiết bị kỹ thuật số khác và khoảng cách từ mắt bạn tới màn hình để bác sĩ có được lời khuyên phù hợp.

2. Ánh Sáng Thích Hợp

Hạn chế làm việc trong môi trường ánh sáng quá mạnh từ bóng đèn hay ánh sáng mặt trời.

Nên đặt bàn làm việc ở vị trí đón ánh sáng từ hai bên thay vì chiếu trực tiếp từ trước hay sau. Nếu ánh sáng chiếu từ cửa sổ quá mạnh thì có thể lắp thêm rèm cửa.

Nên giảm số lượng bóng đèn hoặc giảm cường độ sáng tại nơi làm việc. Nếu có thể, nên thay đèn trần huỳnh quang bằng đèn LED ánh sáng trắng mềm hoặc đèn huỳnh quang toàn phổ.

3. Giảm Độ Chói

Chọn loại màn hình máy tính có chức năng chống lóa. Sơn tường nhám và tối màu.

Nếu có đeo kính, nên chọn loại tròng có chức năng chống lóa.

4. Nâng Cấp Màng Hình

Thay màn hình CRT bằng màn hình LED phẳng có bề mặt chống phản quang.

Nếu bắt buộc phải sử dụng màn hình CRT thì bạn có thể khắc phục bằng cách điều chỉnh tốc độ làm mới màn hình lên cao nhất có thể (vì nếu tốc độ này dưới 75 Hz thì có thể gây nhanh mỏi mắt).

Nếu sử dụng màn hình LED phẳng, nên chọn loại có độ phân giải cao nhất có thể (chọn loại có khoảng cách điểm ảnh nhỏ hơn 0.28mm)

Kích thước màn hình cũng vô cùng quan trọng, hãy chọn màn hình tối thiểu là 19inches

5. Điều Chỉnh Cài Đặt Hiển Thị Máy Tính

Độ sáng: Điều chỉnh độ sáng của màn hình để nó gần giống với độ sáng của môi trường xung quanh. Ví dụ, hãy nhìn vào nền trắng của trang web này. Nếu nó trông giống như một nguồn sáng, thì nó quá sáng. Nếu nó hơi xám và ảm đạm, nó có thể quá tối.

Kích thước và độ tương phản của văn bản: Điều chỉnh kích thước và độ tương phản của văn bản cho thoải mái với mắt, đặc biệt là khi đọc hoặc soạn tài liệu dài. Thường thì chữ đen trên nền trắng là dễ chịu nhất cho mắt.

Nhiệt độ màu: Đây là một thuật ngữ kỹ thuật được dùng để mô tả phổ của ánh sáng khả kiến phát ra từ màn hình màu. Ánh sáng xanh là ánh sáng nhìn thấy bước sóng ngắn có thể gây mỏi mắt nhiều hơn so với màu sắc bước sóng dài hơn, như màu cam và màu đỏ. Giảm nhiệt độ màu của màn hình sẽ làm giảm lượng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình màu để mắt thoải mái hơn khi nhìn lâu

6. Chớp Mắt Thường Xuyên

Nháy mắt là rất quan trọng khi làm việc với máy tính; chớp mắt làm ẩm mắt để tránh khô và kích ứng.

Nếu bạn hay bị khô mắt, hãy hỏi bác sĩ mắt về nước mắt nhân tạo để sử dụng trong ngày.

Để giảm nguy cơ khô mắt trong quá trình sử dụng máy tính, hãy thử bài tập này: Cứ sau 20 phút, chớp mắt 10 lần bằng cách nhắm mắt như ngủ.

7. Tập Thể Dục Cho Mắt

Để giảm nguy cơ mỏi mắt khi tập trung liên tục vào màn hình, hãy rời mắt khỏi máy tính ít nhất 20 phút một lần và nhìn chằm chằm vào một vật ở xa (cách xa hơn 6m) trong ít nhất 20 giây. Nhìn xa giúp thư giãn các cơ đang tập trung bên trong mắt để giảm mệt mỏi.

Một bài tập khác là nhìn xa một vật trong vòng 10 – 15 giây, sau đó nhìn chằm chằm vào vật gì đó ở gần trong 10 – 15 giây. Sau đó nhìn lại vật ở xa. Làm điều này 10 lần. Bài tập này làm giảm nguy cơ mắt bị co thắt điều tiết sau khi làm việc máy tính kéo dài.

8. Nghỉ Ngơi Thường Xuyên

Để giảm nguy cơ mắc hội chứng thị giác do máy tính và đau cổ vai lưng, hãy thường xuyên để mắt nghỉ ngơi ít nhất là 10 phút sau mỗi giờ làm việc liên tục

Trong lúc nghỉ, hãy đứng lên, di chuyển và duỗi tay, chân, lưng, cổ và vai để giảm căng thẳng và mỏi cơ.

9. Thay Đổi Vị Trí làm Việc

Nếu bạn cần nhìn qua lại giữa tài liệu và màn hình máy tính, hãy đặt tài liệu lên giá đỡ đặt cạnh màn hình.

Có thể sử dụng đèn bàn, nhưng hãy chắc chắn rằng nó không chiếu trực tiếp vào mắt hoặc lên màn hình máy tính.

Điều chỉnh bàn ghế của bạn theo đúng chiều cao để chân thoải mái đặt trên sàn.

Đặt màn hình máy tính cách mắt bạn từ 50-60 cm. Màn hình phải nằm dưới mắt bạn khoảng 10 đến 15 độ.

10. Đeo Kính Khi Làm Việc Với Máy Tính

Nếu có điều kiện, hãy sử dụng kính chuyên dụng khi làm việc với máy tính. Kính này sẽ giúp mắt dễ chịu hơn, hạn chế khô mắt và bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính.

Bs. Trần Quang Minh – Tổng hợp

 

Những Điều Cần Biết Về Gọng Kính >> Xem thêm
Phẫu thuật thẩm mỹ mí mắt, điều gì bạn nên biết? >> Xem thêm
Những Điều Cần Biết Về Chứng Sụp Mi >> Xem thêm
Tròng Kính Và Những Điều Cần Biết Về Tròng Kính >> Xem thêm
Vai Trò Của Vitamin E Và Kẽm Trong Dinh Dưỡng Mắt >> Xem thêm
Vitamin A Và Beta Carotene Có Lợi Gì Cho Mắt? >> Xem thêm
10 Thực Phẩm Tốt Cho Mắt Có Thể Dùng Hàng Ngày >> Xem thêm