Bệnh đục thủy tinh thể là gì? Phân loại, dấu hiệu và cách điều trị

Bệnh đục thủy tinh thể là gì? Phân loại, dấu hiệu và cách điều trị

Bệnh đục thủy tinh thể được xem là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi làm giảm thị lực và khả năng cao dẫn đến mù lòa nếu như không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong bài viết này, hãy cùng Hikari tìm hiểu bệnh đục thủy tinh thể là gì, các dạng đục thủy tinh thể thường gặp và cách điều trị. 

Thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm sau mống mắt (còn gọi là tròng đen) bên trong nhãn cầu. Thủy tinh thể hoạt động như một thấu kính của máy chụp hình, hội tụ ánh sáng lại trên võng mạc, khiến hình ảnh rõ nét. Giống như một thấu kính có khả năng điều chỉnh tiêu cự, thủy tinh thể tham gia vào quá trình điều tiết của mắt, giúp chúng ta thấy sự vật rõ ở cả khoảng cách gần và xa.

Công suất hội tụ của thể thủy tinh có vai trò quan trọng đối với hệ thống khúc xạ. Nó giúp tiêu điểm ảnh hội tụ đúng trên võng mạc khi nhìn xa. Khả năng thay đổi độ dày của thể thuỷ tinh gọi là sự điều tiết có tác dụng giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần. 

Hình 1: Thể thủy tinh bị đục (Lens clouded by cataract).
Cornea: giác mạc. Lens capsule: bao thể thủy tinh.

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Bệnh đục thủy tinh thể còn có tên gọi khác là bệnh cườm đá, cườm khô là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Thủy tinh thể trong mắt là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi. Ngoài ra thủy tinh thể là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc.

Các tên gọi khác của bệnh đục thể thuỷ tinh gồm: Cataract là tiếng Latin có nghĩa là thác nước để chỉ màu trắng của thể thuỷ tinh trong những trường hợp đục chín trắng, đây là danh từ chính thống dùng trong y văn quốc tế. Những danh từ không chính thống người dân hay dùng là cườm khô, cườm đá, cườm hạt hay đục nhân mắt.

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân thường gặp gây giảm thị lực ở những người trên 40 tuổi và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới. Theo Hiệp hội phòng chống mù lòa của Mỹ (PBA), thực tế tỷ lệ người bị đục thủy tinh thể cao hơn so với tỷ lệ người bị Glaucoma (cườm nước), thoái hóa hoàng điểm và bệnh võng mạc tiểu đường cộng lại.

Nhìn mờ do đục thủy tinh thể khiến bạn khó đọc sách, lái xe (đặc biệt là lúc chiều tối), hoặc không nhìn rõ nét mặt của người đối diện. Bệnh đục thủy tinh thể thường tiến triển từ từ và không ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn ở giai đoạn sớm. Nhưng cùng với thời gian, khi thủy tinh thể đục ngày càng nhiều, thị lực của bạn sẽ giảm một cách rõ rệt, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

Hình 2: Nhìn mờ sương ở bệnh nhân bị đục thủy tinh thể (hình bên trái).

Các dạng đục thủy tinh thể

Bề ngoài của thủy tinh thể có hình dáng giống như viên kẹo sô cô la M&M, có mặt trước và mặt sau. Trung tâm của thể thủy tinh được gọi là nhân, lớp ngoài cùng là bao, giữa lớp nhân và lớp bao ngoài gọi là cortex (vỏ).

Đục chín

Đục thủy tinh thể có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ tới nặng, đục mới bắt đầu hoặc đục tiến triển. Thủy tinh thể đục hoàn toàn gọi là đục chín. Đục chín thường có màu trắng xóa.

Hình 1: Đục chín (hình bên trái) – Đục quá chín – Morganian (hình bên phải).

Đục nhân

Là dạng thường gặp nhất, liên quan đến sự lão hóa. Chất nhân trong thể thủy tinh dần đặc lại và đục hơn, điều này làm thay đổi độ hội tụ của mắt, khiến chúng ta nhìn gần rõ hơn nhìn xa (cận thị giả).

Cận thị giả làm tăng khả năng nhìn gần, giúp chúng ta đọc sách báo không cần mang kính. Theo thời gian nhân thủy tinh thể đục hơn, trắng xóa, dần ố vàng và chuyển qua màu nâu đen, chúng ta sẽ không còn phân biệt được hình ảnh kể cả nhìn xa và gần.

Hình 2: Đục nhân.

Đục vỏ

Những vệt trắng bắt đầu từ rìa ngoài thủy tinh thể, dần tủa ra như hình nan hoa tiến vào trung tâm. Dạng đục này ngăn cản đường đi của ánh sáng vào võng mạc, gây ra hiện tượng lóa mắt và làm giảm độ tương phản; ảnh hưởng đến cả thị lực nhìn gần và thị lực nhìn xa. Đục vỏ thường hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường.

Hình 3: Đục vỏ.

Đục dưới bao

Đục tác động lên cực sau của thủy tinh thể, và thường tiến triển nhanh hơn các dạng đục khác, ảnh hưởng cả thị giác nhìn xa và gần. Đục nằm trên trục thị giác, ánh sáng đi vào võng mạc bị tán xạ khiến cho bệnh nhân bị chói khi ra nắng, nhìn rõ hơn khi vào trong bóng mát và buổi chiều tối hoặc thấy hào quang xung quanh những vật sáng vào ban đêm. Tiểu đường, cận thị nặng, viêm võng mạc sắc tố, sử dụng corticoid kéo dài có nguy cơ bị đục dưới bao rất cao.

Hình 4: Đục dưới bao.

Các triệu chứng đục thủy tinh thể là gì?

Tùy vào từng giai đoạn mà bệnh đục thủy tinh thể có những dấu hiệu nhận biết khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu đục thủy tinh thể cơ bản thường gặp:

  • Giảm thị lực là triệu chứng quan trọng nhất. Thường là nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng. Đục thủy tinh thể ảnh hưởng tới tầm nhìn trung tâm, bắt đầu từ việc tầm nhìn mờ khi nhìn xa, sau đó tầm nhìn gần cũng bị ảnh hưởng trừ một thể đục đặc biệt là đục dưới bao sau thể thuỷ tinh. Mức độ giảm thị lực tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh, ở giai đoạn đầu sẽ mất khoảng 1/10 thị lực, khi bệnh nặng nhất thì người bệnh chỉ còn nhận biết được ánh sáng.
  • Nhìn một vật thành nhiều vật: Đục thể thuỷ tinh làm tăng khả năng hội tụ của nó. Đây là lý do tại sao người một số người già bị đục thủy tinh thể đọc báo lại không cần đeo kính. Bên cạnh đó có một số người bệnh bị tầm nhìn đôi, thấy nhiều vật một lúc, hay tầm nhìn bị mờ như trong sương mù. Hiện tượng này do thuỷ tinh thể bị đục gây tán xạ tia sáng đi qua nó.
  • Lóa mắt, nhạy cảm với ánh sáng: Ở một số bệnh nhân khác lại có những triệu chứng nghe lạ tai như ra ngoài sáng thì nhìn kém nhưng vào trong nhà, trong bóng râm thì nhìn lại tốt hơn. Đó là những bệnh nhân đục thể thuỷ tinh trung tâm khi ra nắng, sáng thì đồng tử co nhỏ lại, ánh sáng tới được võng mạc do đi quan đúng vùng trung tâm đục. Khi trong điều kiện ít ánh sáng như trong nhà hay bóng râm, đồng tử sẽ giãn rộng hơn, do đó ánh sáng dễ dàng đi qua vùng rìa thể thuỷ tinh chưa đục đậm, khiến bệnh nhân thấy hình ảnh rõ hơn. Với những bệnh nhân chỉ mới đục ở vùng ngoại vi và vùng trung tâm còn trong thì triệu chứng sẽ ngược lại.

Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như mắt nhìn có chấm đen, ruồi bay trước mắt cũng có thể là dấu hiệu bệnh đục thủy tinh thể

Nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể như: môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương…Tuy nhiên đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm tới 99%. Hiện tượng đục thể thuỷ tinh hầu hết đều xuất hiện sau độ tuổi 50.

  • Tuổi tác: Khi con người già đi, những sự thay đổi có thể xảy ra trong cấu trúc protein thủy tinh thể dẫn đến đục thể thuỷ tinh
  • Bẩm sinh: Trẻ em mới sinh ra cũng có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể do rối loạn di truyền. Ngoài ra bệnh cũng có thể phát triển do mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như như bệnh sởi, bệnh rộp da và giang mai
  • Các nguyên nhân thứ phát: Các căn bệnh như tăng nhãn áp, tiểu đường cũng có thể biến chứng thành đục thể thuỷ tinh. Dùng kéo dài một số thuốc như corticoid (thuốc nhỏ hoặc thuốc uống), thuốc hạ mỡ máu (simvastatin), thuốc chống loạn nhịp tim (amiodarone), thuốc trầm cảm (phenothiazin)… làm tăng nguy cơ đục thể thuỷ tinh
  • Chấn thương: Một số chấn thương có thể dẫn đến sự hình thành đục thể thuỷ tinh ngay hoặc sau nhiều năm
  • Các nguyên nhân khác: bao gồm mắt tiếp xúc quá nhiều với tia UV (tia cực tím), tia X và bức xạ khác trong lúc xạ trị.Ánh nắng mặt trời đã được chứng minh làm đục thể thuỷ tinh gấp 2 đến 3 lần nhóm chứng và không thể xem là yếu tố phối hợp. Rối loạn dinh dưỡng, ỉa chảy mất nước, thiếu hụt các yếu tố chống oxy hóa, hút thuốc, uống rượu cũng là những yếu tố phối hợp quan trọng.

Đục thủy tinh thể cần khám những gì để phát hiện?

Đục thủy tinh thể là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, và là nguyên nhân gây mù loà phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân khi có những triệu chứng như nhìn mờ, cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng mạnh, nhìn nhạt màu hoặc hơi vàng, ban đêm thị giác kém hơn, kính đang đeo thay đổi độ thường xuyên, …

Với những triệu chứng trên cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác ở mắt nên bệnh nhân sẽ phải kiểm tra mắt toàn diện về:

  • Mức độ suy giảm thị lực.
  • Mức độ đục thủy tinh thể.
  • Khám ở mắt: tìm những bệnh có liên quan như thoái hoá hoàng điểm người già, bệnh võng mạc tiểu đường, cận thị và glaucoma (cườm nước).
  • Toàn thân: Khám, phát hiện các bệnh khác và mối liên quan có thể có với tình trạng mắt như: cao huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng…

Hiện nay, một trong những phương pháp điều trị đục thủy tinh thể được tin tưởng nhất vẫn là phẫu thuật đục thủy tinh thể. Trong đó, phẫu thuật Phaco đang ngày càng phổ biến và được coi là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất hiện nay.

Điều trị bệnh đục thủy tinh thể như thế nào?

Điều trị nội khoa bằng thuốc và đeo kính

Bệnh đục thủy tinh thể là một bệnh nguy hiểm, vì thế cần chữa trị kịp thời. Cho đến nay các thuốc tổng hợp hóa dược rất khó có thể làm trong thủy tinh thể trở lại.

Với những trường hợp đục thủy tinh thể giai đoạn đầu chưa cần thiết phải phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cho bổ sung một số vitamin như C, A, E… và một số hoạt chất khác để làm chậm lại tiến trình đục thủy tinh thể. Tăng cường ánh sáng trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khói bụi.

Nếu bắt buộc thường xuyên ra ngoài nên có những biện pháp bảo vệ mắt như đeo kính râm hoặc đội mũ rộng. Bên cạnh đó cần có một lối sống hợp lý, không hút thuốc lá. Bổ sung vitamin C, E, A, lutein, kẽm zeaxanthin có trong rau xanh, ngũ cốc, trái cây, cá…Hạn chế ăn thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn đồ ngọt.

Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật đục thủy tinh thể

Ánh sáng mạnh và kính đeo hỗ trợ có thể giúp bạn trong thời gian đầu khi mới bị đục thủy tinh thể. Nhưng khi thị lực giảm nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc hàng ngày, có lẽ bạn cần đến phẫu thuật đục thủy tinh thể. Phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể đã tồn tại gần hai thế kỷ, nhưng đặt kính nội nhãn (thể thuỷ tinh nhân tạo) là phương pháp mới, được đề xướng từ năm 1949. Lĩnh vực phẫu thuật này đang được áp dụng những thành tựu mới của ngành nhãn khoa cũng như các ngành khoa học hỗ trợ khác nên đã có những tiến bộ vượt bậc trong vòng 20 năm trở lại đây. 

Ngày nay phương pháp phẫu thuật phaco ( phacoemulsification) ngày càng phổ biến và là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất. Ưu điểm của phương pháp này là vết mổ nhỏ, thị lực nhanh chóng được hồi phục, ít xảy ra biến chứng, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường. Mặc dù các ca mổ phaco hiện nay chỉ kéo dài khoảng 5 đến 10 phút nhưng trên thực tế phẫu thuật đục thể thuỷ tinh được xếp vào nhóm đại phẫu do nó là một phẫu thuật nội nhãn và tác động trực tiếp đến thị lực.

Những điều cần biết về phẫu thuật đục thủy tinh thể

Trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, bác sĩ sẽ lấy thủy tinh thể bị đục đi và thay bằng thủy tinh thể nhân tạo (thấu kính nội nhãn hay IOL) để giúp bệnh nhân nhìn rõ hơn.

Thông thường thì bệnh nhân sau phẫu thuật đục thủy tinh thể không cần phải nằm viện. Phẫu thuật đục thủy tinh thể tiên tiến thường sử dụng các thiết bị sóng cao tần để tán nhỏ thủy tinh thể rồi hút ra.

Phương pháp phẫu thuật Phaco đục thủy tinh thể này được gọi là phẫu thuật nhũ tương hóa thủy tinh. So với phương pháp cũ thì Phaco để lại vết mổ nhỏ hơn, vết thương lành nhanh hơn. Làm giảm thiểu biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể như là bong võng mạc.

Sau khi các mảnh nhỏ thủy tinh thể được tán nhỏ và hút ra khỏi mắt, bác sĩ sẽ đặt một thấu kính nội nhãn trong suốt vào phía sau móng mắt và đồng tử ngay tại vị trí của thủy tinh thể trước đó (có khi kính nội nhãn sẽ được đặt phía trước đồng tử và mống mắt, tuy nhiên trường hợp này hiếm khi xảy ra).

Khi hoàn tất, bác sĩ sẽ đóng vết mổ lại (có thể khâu lại hoặc không) và cho bệnh nhân đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt trong những ngày đầu sau phẫu thuật.

Biện pháp phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến mù lòa và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể, bạn cần lưu ý những điều sau:

Bảo vệ mắt khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

Ánh nắng mặt trời có chứa tia UV rất có hại cho mắt. Bạn nên đeo kính râm, đội mũ rộng vành để bảo vệ mắt khi ra ngoài. Hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, khi tia UV hoạt động mạnh nhất, nhất là vào mùa nắng nóng.

Bảo vệ mắt khi sử dụng màn hình máy tính, tivi

Chú ý giữ khoảng cách ít nhất 40cm so với màn hình. Mặc dù không có nghiên cứu nào chứng minh mối liên hệ giữa việc sử dụng các thiết bị điện tử và bệnh đục thủy tinh thể, nhưng tốt hơn hết bạn nên hạn chế sử dụng chúng. Chú ý giữ khoảng cách và hạn chế thời gian ngồi trước màn hình. Một gợi ý hữu ích để thư giãn mắt là phương pháp 20-20-20. Cứ sau 20 phút, chúng ta cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn vào một vật cách xa 6m trong 20 giây. Bạn cũng có thể nhắm mắt, hoặc xoa bóp mắt để cải thiện lưu thông máu.

Khám mắt định kỳ

Khám mắt thường xuyên vào một thời điểm cụ thể trong năm có thể giúp phát hiện bệnh đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác một cách nhanh chóng. Việc duy trì khám mắt định kỳ không chỉ giúp theo dõi sức khỏe của mắt mà còn có thể phát hiện các bệnh lý nghiêm trọng khác của cơ thể, đặc biệt là người lớn tuổi như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, thoái hóa điểm vàng, mỡ máu cao, tổn thương gan,…

Thông thường khám mắt nên duy trì mỗi năm một lần. Tuy nhiên, đối với từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe mắt khác nhau thì thời gian sẽ khác nhau. Đặc biệt, nếu bạn đã từng có vấn đề về mắt, bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc có nguy cơ mắc bệnh này (tiền sử gia đình mắc bệnh) thì nên đi khám bác sĩ hàng năm.

Nhiều bệnh về mắt thường không có triệu chứng cụ thể, đôi khi âm thầm nhưng ảnh hưởng đến thị lực, chỉ phát hiện được khi đi khám.

Bổ sung thực phẩm, dưỡng chất tốt cho mắt

Chế độ ăn uống là yếu tố liên quan mật thiết đến quá trình hình thành đục thủy tinh thể. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, giàu chất chống oxy hóa và chức năng gan tốt có khả năng giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Những người mắc các bệnh đục thủy tinh thể thường có xu hướng thiếu vitamin C, kẽm, đồng và magie. 

  • Vitamin C có nhiều trong các loại rau và trái cây như: hạnh nhân, rau cải bó xôi, cam, bưởi, chanh, ớt chuông, dâu tây, kiwi,…
  • Vitamin E có nhiều trong các loại thực phẩm như: cá, dầu oliu, dầu mè,…

Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày các chất như lutein và zeaxanthin. Đây là hai loại vitamin khác có thể giúp bảo vệ mắt khỏi bệnh đục thủy tinh thể. Lutein và zeaxanthin được tìm thấy trong các loại rau lá xanh, bí, nho và lòng đỏ trứng.

Không hút thuốc lá và uống rượu

Hút thuốc làm giảm nồng độ oxy trong thủy tinh thể khiến nó dần dần mất đi độ trong suốt tự nhiên và chuyển sang mờ đục. Hơn nữa, cadmium, kim loại nặng có độc tính cao trong thuốc và khói thuốc, có xu hướng tích tụ trong nhân thủy tinh thể, góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành bệnh. Theo thống kê, so với người không hút thuốc, nguy cơ đục thủy tinh thể ở người hút thuốc lá cao gấp đôi và gấp ba lần ở người nghiện thuốc lá nặng. Vì vậy, bạn cần từ bỏ thói quen này, nó có thể giúp ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể, ngay cả khi bạn đã hút thuốc trong một thời gian dài. 

Ngoài ra, khi một người uống quá nhiều rượu, quá trình trao đổi chất và bài tiết trở nên quá tải, nồng độ cồn trong máu cao trong thời gian dài sẽ gây ngộ độc và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có mắt. 

Lời kết

Trên đây là những thông tin cơ bản về đục thủy tinh thể là gì, triệu chứng và cách điều trị đục thủy tinh thể. Hiện nay bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam. Sự nguy hiểm của bệnh đục thủy tinh thể nằm ở chỗ không thể dự đoán chính xác tình trạng đục thủy tinh thể sẽ xấu đi nhanh như thế nào. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể, người bệnh nên đi khám và điều trị sớm để tránh những rủi ro, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. 

Quy tụ đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm hàng đầu trong ngành Nhãn khoa cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, Trung tâm mắt Sài Gòn Hikari Eye Care sẽ đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất, phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng.

  • Kiểm tra toàn diện sức khỏe mắt phù hợp với từng đối tượng, tình trạng của khách hàng
  • Khám và điều trị các bệnh về mắt: phẫu thuật đục thủy tinh thể, phẫu thuật mộng thịt, đo khúc xạ, kính Ortho-K, tầm soát võng mạc đái tháo đường.

Liên hệ ngay với Hikari để được thăm khám tình trạng sức khỏe mắt bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao: