Bệnh đục thủy tinh thể là gì? Nguyên nhân do đâu

Ngày nay dưới tác động của thời tiết, nắng nóng, mưa bảo, ánh sáng, hóa chất, tia UV, … hơn hết là thiết bị công nghệ 4.0. Điều này góp phần gia tăng những căn bệnh về mắt và mắt ta ngày càng bị lão hóa nhanh hơn dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn nhiều bệnh trong đó bệnh được kể đến đầu tiên là bệnh đục thủy tinh thể. Cùng Hikari tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu gây nên căn bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Bệnh Đục thủy tinh thể còn có tên gọi khác là bệnh cườm đá, cườm khô là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Thủy tinh thể trong mắt là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi. Ngoài ra thủy tinh thể là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc.

Các tên gọi khác của bệnh đục thể thuỷ tinh gồm: Cataract là tiếng Latin có nghĩa là thác nước để chỉ màu trắng của thể thuỷ tinh trong những trường hợp đục chín trắng, đây là danh từ chính thống dùng trong y văn quốc tế. Những danh từ không chính thống người dân hay dùng là cườm khô, cườm đá, cườm hạt hay đục nhân mắt.

Công suất hội tụ của thể thủy tinh có vai trò quan trọng đối với hệ thống khúc xạ. Nó giúp tiêu điểm ảnh hội tụ đúng trên võng mạc khi nhìn xa. Khả năng thay đổi độ dày của thể thuỷ tinh gọi là sự điều tiết có tác dụng giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần.

Khi tình trạng trong suốt này mất đi, thể thuỷ tinh sẽ chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua. Bệnh nhân bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và thậm chí có thể gây mù loà.

Phẫu thuật Phaco được sử dụng với những người đang bị đục thủy tinh thể

Các dấu hiệu nhận biết bệnh đục thủy tinh thể

Giảm thị lực là triệu chứng quan trọng nhất. Thường là nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng. Đục thủy tinh thể ảnh hưởng tới tầm nhìn trung tâm, bắt đầu từ việc tầm nhìn mờ khi nhìn xa, sau đó tầm nhìn gần cũng bị ảnh hưởng trừ một thể đục đặc biệt là đục dưới bao sau thể thuỷ tinh.

Mức độ giảm thị lực tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh, ở giai đoạn đầu sẽ mất khoảng 1/10 thị lực, khi bệnh nặng nhất thì người bệnh chỉ còn nhận biết được ánh sáng.

Đục thể thuỷ tinh làm tăng khả năng hội tụ của nó. Đây là lý do tại sao người một số người già bị đục thủy tinh thể đọc báo lại không cần đeo kính. Bên cạnh đó có một số người bệnh bị tầm nhìn đôi, thấy nhiều vật một lúc, hay tầm nhìn bị mờ như trong sương mù. Hiện tượng này do thuỷ tinh thể bị đục gây tán xạ tia sáng đi qua nó.

Ở một số bệnh nhân khác lại có những triệu chứng nghe lạ tai như ra ngoài sáng thì nhìn kém nhưng vào trong nhà, trong bóng râm thì nhìn lại tốt hơn. Đó là những bệnh nhân đục thể thuỷ tinh trung tâm khi ra nắng, sáng thì đồng tử co nhỏ lại, ánh sáng tới được võng mạc do đi quan đúng vùng trung tâm đục.

Khi trong điều kiện ít ánh sáng như trong nhà hay bóng râm, đồng tử sẽ giãn rộng hơn, do đó ánh sáng dễ dàng đi qua vùng rìa thể thuỷ tinh chưa đục đậm, khiến bệnh nhân thấy hình ảnh rõ hơn. Với những bệnh nhân chỉ mới đục ở vùng ngoại vi và vùng trung tâm còn trong thì triệu chứng sẽ ngược lại.

Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như mắt nhìn có chấm đen, ruồi bay trước mắt cũng có thể là dấu hiệu bệnh đục thủy tinh thể

Giảm thị lực là triệu chứng quan trọng nhất của bệnh đục thủy tinh thể

 

Cách phân loại đục thủy tinh thể

Có hai cách chính để phân loại đục thủy tinh thể: theo vị trí và mức độ đục.

Phân loại theo vị trí

  • Đục nhân: Loại phổ biến nhất, xảy ra ở trung tâm của thể thủy tinh thể. Gây mờ, nhòe, chói sáng và khó nhìn vào ban đêm.
  • Đục vỏ: Xảy ra ở lớp vỏ bên ngoài thể thủy tinh thể. Gây nhìn mờ, lóa mắt và nhạy cảm với ánh sáng.
  • Đục bao sau: Ít gặp hơn, xảy ra ở mặt sau thể thủy tinh thể. Gây nhìn mờ, đặc biệt khi nhìn xa.

Phân loại theo mức độ

  • Độ 1: Nhẹ, thể thủy tinh thể chỉ hơi mờ đục, ít ảnh hưởng thị lực.
  • Độ 2: Vừa, thể thủy tinh thể mờ đục nhiều hơn, ảnh hưởng thị lực rõ rệt hơn.
  • Độ 3: Nặng, thể thủy tinh thể đục hoàn toàn, thị lực giảm nghiêm trọng.
  • Độ 4: Rất nặng, thể thủy tinh thể cứng và có màu nâu, thị lực gần như mất hoàn toàn.

Ngoài ra, còn có một số cách phân loại khác dựa trên nguyên nhân, thời điểm xuất hiện, tốc độ tiến triển,…

Nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể như: môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương…Tuy nhiên đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm tới 99%. Hiện tượng đục thể thuỷ tinh hầu hết đều xuất hiện sau độ tuổi 50.

  • Tuổi tác: Khi con người già đi, những sự thay đổi có thể xảy ra trong cấu trúc protein thủy tinh thể dẫn đến đục thể thuỷ tinh
  • Bẩm sinh: Trẻ em mới sinh ra cũng có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể do rối loạn si truyền. Ngoài ra bệnh cũng có thể phát triển do mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như như bệnh sởi, bệnh rộp da và giang mai
  • Các nguyên nhân thứ phát: Các căn bệnh như tăng nhãn áp, tiểu đường cũng có thể biến chứng thành đục thể thuỷ tinh. Dùng kéo dài một số thuốc như corticoid (nhỏ cũng như uống), thuốc hạ mỡ máu (simvastatin), thuốc chống loạn nhịp tim (amilodarone), thuốc trầm cảm (phenothiazin)… làm tăng nguy cơ đục thể thuỷ tinh
  • Chấn thương: Một số chấn thương có thể dẫn đến sự hình thành đục thể thuỷ tinh ngay hoặc sau nhiều năm
  • Các nguyên nhân khác: bao gồm mắt tiếp xúc quá nhiều với tia UV (tia cực tím), tia X và bức xạ khác trong lúc xạ trị.Ánh nắng mặt trời đã được chứng minh làm đục thể thuỷ tinh gấp 2 đến 3 lần nhóm chứng và không thể xem là yếu tố phối hợp. Rối loạn dinh dưỡng, ỉa chảy mất nước, thiếu hụt các yếu tố chống oxi hoá, hút thuốc, uống rượu cũng là những yếu tố phối hợp quan trọng

Quy trình mổ paco

Điều trị bệnh đục thủy tinh thể như thế nào?

Bệnh đục thủy tinh thể là một bệnh nguy hiểm, vì thế cần chữa trị kịp thời. Cho đến nay các thuốc tổng hợp hóa dược rất khó có thể làm trong thủy tinh thể trở lại.

Với những trường hợp đục thủy tinh thể giai đoạn đầu chưa cần thiết phải phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cho bổ sung một số vitamin như C, A, E… và một số hoạt chất khác để làm chậm lại tiến trình đục thủy tinh thể. Tăng cường ánh sáng trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khói bụi.

Nếu bắt buộc thường xuyên ra ngoài nên có những biện pháp bảo vệ mắt như đeo kính râm hoặc đội mũ rộng.

Bên cạnh đó cần có một lối sống hợp lý, không hút thuốc lá. Bổ sung vitamin C, E, A, lutein, kẽm zeaxanthin có trong rau xanh, ngũ cốc, trái cây, cá…Hạn chế ăn thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn đồ ngọt.

Hiện nay phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật đã tồn tại gần hai thế kỷ, nhưng đặt kính nội nhãn (thể thuỷ tinh nhân tạo) là phương pháp mới, được đề xướng từ năm 1949.

Lĩnh vực phẫu thuật này đang được áp dụng những thành tựu mới của ngành nhãn khoa cũng như các nghành khoa học hỗ trợ khác nên đã có những tiến bộ vượt bậc trong vòng 20 năm trở lại đây.

Ngày nay phương pháp phẫu thuật phacoemusification (kỹ thuật mổ Phaco) ngày càng phổ biến và là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất.

Ưu điểm của nó là vết mổ nhỏ, thị lực nhanh chóng được hồi phục, ít xảy ra biến chứng, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.

phương pháp phẫu thuật phacoemusification (kỹ thuật mổ Phaco) ngày càng phổ biến và là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất

Mặc dù các ca mổ phaco hiện nay chỉ kéo dài khoảng 5 đến 10 phút nhưng trên thực tế phẫu thuật đục thể thuỷ tinh được xếp vào nhóm đại phẫu do nó là một phẫu thuật nội nhãn và tác động trực tiếp đến thị lực.

8 cách ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể

Mặc dù một số yếu tố nguy cơ gây bệnh đục thủy tinh thể, chẳng hạn như tuổi tác và di truyền, không thể thay đổi được, nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe của mắt:

1. Chế độ ăn uống

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, đặc biệt là rau xanh lá đậm, trái cây, cá và các loại hạt.
  • Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và đồ ngọt.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ nếu cần thiết.

Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, đặc biệt là rau xanh lá đậm, trái cây, cá và các loại hạt

2. Kiểm soát cân nặng

  • Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì.

3. Bỏ hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, bao gồm cả đục thủy tinh thể.

Do đó, bỏ hút thuốc lá là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn nói chung và sức khỏe của mắt nói riêng.

4. Hạn chế uống rượu bia

Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể. vì vậy bạn nên hạn chế uống rượu bia hoặc bỏ rượu bia hoàn toàn.

5. Bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời

  • Đeo kính râm có khả năng chống tia UV khi ra ngoài trời.
  • Sử dụng mũ rộng vành để che chắn mắt khỏi ánh nắng mặt trời.

6. Kiểm tra mắt định kỳ

Đi khám mắt định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ cao bị đục thủy tinh thể.

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh đục thủy tinh thể có thể giúp bảo vệ thị lực của bạn.

Bạn sẽ được khám sàng lọc và chuyên sâu để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe mắt, độ cận và giác mạc

7. Kiểm soát các bệnh lý khác

Nếu bạn mắc các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch, hãy kiểm soát tốt các bệnh lý này để giảm nguy cơ biến chứng, bao gồm cả đục thủy tinh thể.

8. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể. 

Do đó, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn.

Tóm lại, bệnh đục thủy tinh thể là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và phương pháp điều trị bệnh tốt nhất là mỗ Phaco. Để việc điều trị bệnh đục thủy tinh thể được diễn ra an toàn và hiệu quả, bạn nên lựa chọn các trung tâm y tế hay các bệnh viên chuyên về mắt để thăm khám. Nếu bạn đang gặp vấn đề về mắt hoặc đang có dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể, hãy liên hệ với Hikari Eye Care để được thăm khám và tư vấn điều trị bởi các bác sĩ nhãn khoa có chuyên môn cao với nhiều năm kinh nghiệm.

Bs. CKII Huỳnh Tấn Phong – Tổng hợp