Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở những người trên 50 tuổi. Do đó, việc thường xuyên khám mắt định kỳ có thể sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó giúp bảo vệ thị lực của mắt. Hãy cùng Hikari tìm hiểu về bệnh thoái hoá hoàng điểm tuổi già là gì, cách chuẩn đoán và điều trị bệnh qua bài viết dưới đây nhé!
Nội Dung Chính
Bệnh thoái hoá điểm vàng do tuổi già là gì?
Bệnh thoái hoá điểm vàng (thoái hóa hoàn điểm) ở tuổi già (AMD) là sự thoái hoá của hoàng điểm (một vùng nhỏ ở trung tâm của võng mạc giúp bạn nhìn rõ).
Sức khoẻ của hoàng điểm được xác định qua khả năng đọc sách, nhận diện gương mặt, lái xe, xem tivi, sử dụng máy tính và các hoạt động khác cần sử dụng thị lực chi tiết, chính xác.
Thoái hoá hoàng điểm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất thị lực ở người lớn tuổi. Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Wisconsin và CDC – Mỹ, có khoảng 6.5% người ở độ tuổi từ 40 trở lên có thoái hoá hoàng điểm. Các nghiên cứu khác cho thấy có khoảng 9.1 triệu người thoái hoá hoàng điểm ở Mỹ năm 2010 và con số này sẽ tăng lên 17.8 triệu vào năm 2050.
Phân loại thoái hoá điểm vàng do tuổi già
Thoái hoá điểm vàng được chẩn đoán ở 2 thể: khô (không có mạch máu tân sinh) hoặc ướt (có mạch máu tân sinh). Mạch máu tân sinh là sự phát triển của các mạch máu mới ở những vùng bình thường không có mạch máu.
Thoái hoá hoàng điểm thể khô
Bệnh thoái hoá hoàng điểm thể khô sẽ phổ biến hơn thể ướt, chiếm 85 – 90% các trường hợp thoái hoá điểm vàng.
Bệnh có thể được chẩn đoán khi các phần của hoàng điểm mỏng đi theo tuổi tác và có những đốm màu vàng gọi là drusen xuất hiện tập trung xung quanh hoàng điểm.
Bệnh sẽ khiến bạn bị mất thị lực trung tâm dần dần nhưng thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên thoái hoá hoàng điểm thể khô qua nhiều năm có thể tiến triển thành bệnh teo võng mạc địa đồ gây mất thị lực trầm trọng.
AMD thể khô xảy ra ở 3 giai đoạn: sớm, giữa và nặng. Bệnh thường tiến triển chậm trong vài năm và diễn ra ở từng mắt.
Hiện nay, vẫn chưa có cách điều trị bệnh ở giai đoạn nặng, nhưng bạn có thể tìm cách tận dụng tối đa thị lực còn lại của mình.
Và nếu bạn bị bệnh thoái hóa điểm vàng thể khô giai đoạn nặng chỉ ở một mắt, bạn có thể thực hiện các bước để bảo vệ mắt còn lại của mình.
Thoái hoá hoàng điểm thể ướt
Bệnh thoái hoá hoàng điểm thể ướt là một loại AMD giai đoạn nặng, mặc dù bệnh ít phổ biến hơn nhưng chúng sẽ gây mất thị lực nhanh hơn thể khô.
Bất kỳ giai đoạn nào của bệnh thoái hoá điểm vàng thể khô đều có thể chuyển thành bệnh thể ướt.
Bệnh xảy ra khi các mạch máu phát triển bất thường ở phía sau mắt và làm tổn thương điểm vàng. Những mạch máu này có thể rò rỉ máu hoặc các chất lỏng khác, gây ra sẹo ở điểm vàng.
Khác với thể khô, bệnh thoái hoá hoàng điểm thể ướt có thể điều trị được.
Triệu chứng của bệnh thoái hóa điểm vàng
Tùy theo giai đoạn mà bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau và theo thời gian các triệu chứng này sẽ nặng thêm, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm hơn.
- Bệnh thoái hoá hoàng điểm thể khô giai đoạn sớm sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
- Ở bệnh AMD thể khô giai đoạn giữa, một số bệnh nhân vẫn sẽ không có triệu chứng. Một số khác có thể nhận thấy các triệu chứng nhẹ, như mờ nhẹ ở thị lực trung tâm hoặc khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu.
- Ở giai đoạn nặng của AMD (cả hai thể ướt hoặc khô), nhiều người nhận thấy các đường thẳng bắt đầu trông lượn sóng hoặc quanh co. Bạn cũng có thể nhận thấy một vùng mờ gần trung tâm tầm nhìn của bạn. Theo thời gian, vùng mờ này có thể lớn hơn. Màu sắc ở các vật xung quanh cũng có thể kém sáng hơn trước và bạn có thể gặp khó khăn hơn khi nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu.
Khi nhìn thấy những đường thẳng như lượn sóng, đó là dấu hiệu cảnh báo về bệnh thoái hoá hoàng điểm giai đạn muộn. Khi đó, bạn cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức để được tham khám và điều trị.
Những ai có khả năng bị thoái hoá điểm vàng?
- Những người lớn tuổi: Từ 40 tuổi trở lên, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng dần.
- Những người béo phì và ít vận động: Người có cân nặng cao có nguy cơ mắc AMD gấp đôi so với người bình thường.
- Di truyền: Những ai có tiền sử gia đình mắc bệnh thoái hoá điểm vàng thì nguy cơ cao bạn cũng sẽ mắc bệnh.
- Những người có huyết áp cao
- Những người thường xuyên hút thuốc
- Những người có màu mắt sáng
- Những người sử dụng một số thuốc như choloroquine, phenothiazine có nguy cơ gặp tác dụng phụ, khiến bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng.
Cách chuẩn đoán bệnh
Sử dụng lưới Amsler
Trong khi khám mắt, bác sĩ nhãn khoa có thể yêu cầu bạn nhìn vào lưới Amsler. Lưới này giúp bạn nhận thấy bất kỳ điểm mờ, méo hoặc trống nào trong tầm nhìn của bạn.
Soi đáy mắt
Bác sĩ nhãn khoa sẽ nhỏ thuốc làm giãn nở mắt vào mắt bạn để mở rộng đồng tử và sẽ quan sát bên trong mắt bạn thông qua một thấu kính đặc biệt.
Từ đó, các bác sĩ có thể biết được liệu có những thay đổi nào ở võng mạc và điểm vàng hay không.
Chụp OCT đáy mắt
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn chụp cắt lớp mạch lạc quang học (OCT) để quan sát kỹ võng mạc và điểm vàng.
Chụp mạch huỳnh quang
Một phương pháp khác để chuẩn đoán bệnh là chụp mạch huỳnh quang. Khi đó, bạn sẽ được tiêm thuốc nhuộm màu vàng (gọi là fluorescein) vào tĩnh mạch, thường là ở cánh tay
Một chiếc máy ảnh đặc biệt sẽ chụp ảnh võng mạc khi thuốc nhuộm di chuyển khắp các mạch máu. Việc này sẽ giúp bác sĩ thấy liệu các mạch máu mới có đang phát triển bất thường dưới võng mạc hay không.
Cách điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh AMD, tuy nhiên có một số điều trị nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giúp cải thiện thị lực. Việc điều trị sẽ được dựa trên giai đoạn và thể bệnh.
Nếu bạn bị AMD giai đoạn giữa ở một hoặc cả hai mắt, thì việc bổ sung vitamin và khoáng chất có thể ngăn chặn bệnh tiến triển thành giai đoạn nặng.
Nếu bạn bị AMD nặng chỉ ở một mắt, những chất dinh dưỡng này có thể làm chậm quá trình tiến triển bệnh ở mắt còn lại.
Đối với những bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng thể ướt, sẽ có những phương pháp điều trị khác có thể ngăn chặn tình trạng mất thị lực thêm, bao gồm:
- Sử dụng thuốc kháng VEGF: Bằng cách tiêm nội nhãn, thuốc sẽ giúp giảm số lượng mạch máu bất thường ở võng mạc của bạn và cũng làm chậm sự rò rỉ từ các mạch máu.
- Liệu pháp quang động (PDT): Đây sự kết hợp giữa việc sử dụng thuốc tiêm và điều trị bằng laser, giúp khép các mạch máu mới bất thường. Thường được sử dụng cho một vài dạng bệnh AMD thể ướt.
Hiện tại không có phương pháp điều trị bệnh AMD thể khô giai đoạn nặng – nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các phương pháp điều trị.
Ngoài ra nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu cho rằng chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ thoái hoá điểm vàng và mất thị lực.
Các thực phẩm như cá hồi, cá biển chứa hàm lượng omega – 3 cao có thể giúp ngăn ngừa bệnh AMD và giảm sự tiến triển của bệnh. Bên cạnh đó, bổ sung các thực phẩm chứa lutein và zeaxanthin sẽ giúp tăng mật độ sắc tố hoàng điểm, bảo vệ mặt trước AMD.
Thoái hóa điểm vàng liên quan tuổi già (AMD) là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở người lớn tuổi. Mặc dù bệnh không gây mù hoàn toàn nhưng việc mất thị lực trung tâm có thể khiến bạn khó thực hiện các công việc hàng ngày hơn. Tùy theo giai đoạn và thể bệnh mà sẽ có phương pháp chuẩn đoán và cách điều trị bệnh khác nhau. Khi bạn nghi ngờ bản thân có dấu hiệu bị bệnh AMD, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức để có thể được điều trị bệnh kịp thời, tránh mất thị lực vĩnh viễn.
Nguồn tham khảo bài viết:
- 2024. Age-Related Macular Degeneration (AMD) | National Eye Institute. https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/age-related-macular-degeneration.
- 2023. What Is Macular Degeneration? – American Academy of Ophthalmology. https://www.aao.org/eye-health/diseases/amd-macular-degeneration.
- 2024. Eyes – age-related macular degeneration – Better Health Channel. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/age-related-macular-degeneration